Khoảng Cách Giữa Lời (Bằng Việt)
Biết làm sao! Chúng ta quá nhiều lời
Ngay ở chỗ lẽ ra cần nói ngắn!
Bao lần em lẳng lặng
Đủ khiến tôi bàng hoàng!
Khi phần nói lấn hết phần được sống
Lấn hết mọi điều tiềm ẩn giữa câu
Thì vạn câu thơ cũng thành rẻ rúng
Liệu còn gì vang vọng nữa trong nhau?…
1983
Nguồn: Bằng Việt, Tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2010
Bài học người xưa dạy càng chiêm nghiệm càng thấy thấm thía. Đó là cách đối nhân xử thế giữa con người với con người trong xã hội. Trong tình yêu và cuộc sống gia đình, lời nói là một trong những cách để gắn kết hơn tình cảm. Trái lại, những ngôn từ mà người ta nghĩ rằng “lời nói gió bay” lại khiến cho biết bao người phải suy ngẫm, trăn trở:
Biết làm sao chúng ta quá nhiều lời
Ở những chỗ lẽ ra cần nói ngắn
Trong cuộc sống đầy rẫy những phức tạp, những bộn bề, lo toan, con người sao tránh khỏi phút buồn bực. Nỗi cáu giận đó lại chỉ có thể trút vào lời nói, giải toả bằng lời nói. Thế mới gây ra nghịch lý “nhiều lời” “ở những chỗ lẽ ra cần nói nói ngắn”. Nghịch cảnh thay, có khi lại là:
Bao lần em lẳng lặng
Đủ khiến tôi bàng hoàng
Sự thay đổi nhanh đến không ngờ như thế khiến “tôi bàng hoàng”. Làm sao có thể lý giải hết được là vì sao! Cuộc sống và lòng người thật quá phức tạp. Trong tình yêu và cuộc sống gia đình, dù có yêu nhau đến mấy, hiểu nhau đến mấy cũng không thể tránh khỏi những tình huống như vậy. Sự mâu thuẫn trong một con người, một lời nói khiến người bạn đời của mình sững sờ, ngạc nhiên và rồi băn khoăn khó hiểu tự hỏi lòng “biết làm sao”. Những lúc như thế người ta cần phải có cách ứng xử thật khéo léo, thật mềm dẻo để không làm tổn thương đến tình yêu, tình cảm gia đình. Ngược lại, coi đó là một cách để cùng hiểu nhau, xây dựng tình yêu bền vững.
Những chiêm nghiệm của “tôi” càng thêm sâu sắc và có phần chua xót:
Khi phần nói lấn hết phần được sống
Lấn hết mọi điều tiềm ẩn giữa câu
Thì vạn câu thơ cũng thành rẻ rúng
Khoảng cách giữa lời mà Bằng Việt chỉ ra không gì khác là “điều tiềm ẩn giữa câu”. Những gì chất chứa, lắng đọng, ẩn sâu mới là ý nghĩa thực và sâu xa của lời nói. Phần lắng sâu đó cũng như “hạt ngọc minh châu ẩn giấu trong tâm hồn con người” (Nguyễn Minh Châu) có phải ai cũng dễ dàng nhận ra! Nhất là trong những giây phút lòng người không bình yên như thế thì thật khó. Bằng Việt có cách biểu đạt thật độc đáo: “Thì vạn câu thơ cũng thành rẻ rúng”. Thơ ca vốn được coi là mật ngọt của cuộc sống, nơi hội tụ những tình cảm, cảm xúc chân thành trong những lời ngắn gọn, hàm súc. Thực tế chua xót như thế thì những gì còn lại liệu có ý nghĩa gì? Những băn khoăn của người trong cuộc mãi không thôi, lòng người đầy day dứt, trở trăn:
Liệu còn gì vang vọng trong nhau
Câu thơ đượm buồn và nỗi niềm lo lắng. Chút “vang vọng ở trong nhau” hay là sự tôn trọng, niềm tin yêu còn lại? Có thể lắm khi những vang vọng không còn thì những lời lẽ kia trở thành kẻ thù của hạnh phúc, tình yêu. Vì thế mà khoảng cách giữa lời cần phải có. Đôi khi khoảng lặng đó lại giúp cho đôi lứa hiểu nhau nhiều hơn bới “Lá thư của trái tim được đọc trong đôi mắt” (tục ngữ Ai Len).
Tình yêu có muôn hình vạn trạng và ngôn ngữ tình yêu cũng muôn màu muôn vẻ. Khoảng cách giữa lời của Bằng Việt khiến chúng ta phải suy ngẫm, nhìn nhận lại cách cư xử của mình đâu chỉ đối với người mình yêu, với gia đình mà với con người trong toàn xã hội.
Lê Thuỳ Linh
Bài thơ “Khoảng Cách Giữa Lời” của tác giả Nguyễn Việt Bằng. Bài thơ thuộc tập Khoảng Cách Giữa Lời (1984), danh mục thơ Bằng Việt (Nguyễn Việt Bằng) một trong những Nhà Thơ Việt Nam Vĩ Đại Và Tiêu Biểu. Hãy cùng đọc và thưởng thức nhiều tác phẩm thơ ca khác, có rất nhiều bài thơ hay đang chờ các bạn!
Các Bạn Đang Xem Bài Viết Bài Thơ: “Khoảng Cách Giữa Lời” (Bằng Việt – Nguyễn Việt Bằng) Của Tác Giả Bằng Việt Trong Tập Khoảng Cách Giữa Lời (1984) Tại Blog ChieuTa.Com. Truy Cập Blog Thường Xuyên Để Xem Nhiều Bài Viết Mới Hàng Ngày Nhé!
Để Lại Một Bình Luận