Bóng Mây Chiều (Thế Lữ)
“Bấy lâu nay xuôi ngược trên đường đời.
Anh thấy chăng? Tôi chỉ hát, chỉ cười
Như vui sống mãi trong vòng sung sướng.
Vì tôi muốn để cho lòng tôi tưởng
Không bao giờ còn có vết thương đau,
Không bao giờ còn thấy bóng mây sầu
Vương vít nữa. — Bạn ơi nào có được!
Trốn những cảnh dịu dàng tôi dấn bước
Đi tìm nơi náo động mà đua chen,
Mà tung hoành, lăn lóc — để mà quên —
— Nhưng có hay đâu lòng tôi vẫn nhớ!
Có hay đâu chỉ một hơi gió đưa cành lá,
Chỉ một phút đìu hiu lặng ngắm bóng chiều qua
Cũng đủ khiến tôi buồn tưởng quãng đời xưa.
Tôi chẳng muốn ôm lòng đau khổ nữa.
— Tôi không muốn nén mãi lời than thở.
Nén tới đây, trông hồ nước mênh mông
Với ánh tà dương đưa nhẹ ánh sương hồng
Tôi muốn đem nỗi u tình tôi vẫn giấu
Mà ngỏ ra cho bạn hiền tôi thấu.
Bao nhiêu niềm thương, nhớ bấy lâu nay
Tôi muốn thả lên cao cho giải mây bay
Mang đi, mang đi xa! đừng trở lại!”
Văn Sinh dắt tay tôi cùng đến dưới
Bóng một cây rủ lá trên mặt hồ
Nước trong xanh, thắm đượm mầu thu.
Anh chỉ cho tôi trong sương vàng tía
Của chân trời. — Rồi vẻ mặt bâng khuâng,
Sau tiếng thở dài, anh bảo tôi rằng:
“Ở đó, khoảng tám năm về trước,
Tôi đã sống một cuộc đời mộc mạc,
Một cuộc đời kín đáo, như người xưa,
Lấy gió trăng làm của cải, lấy văn thơ
Làm bạn hữu. Lòng bình yên êm lặng
Như mặt hồ không qua làn gió thoảng.
Mải trông mây quên lãng tháng, năm trôi,
Cùng chim ta đưa đón bao ngày vui.
Với non sông đang tưng bừng hớn hở
Bỗng tôi gặp một người thôn nữ…
Tôi gặp cô một buổi chiều xuân.
— Một buổi chiều nồng thắm ái-ân,
Tôi lơ đãng để tuổi xuân phơi phới
Nhẹ bước trên vừng cỏ xanh nắng dãi —
Đứng bên hồ, cô lả lướt dựa mình cây,
Cặp mắt xa đắm đuối tận chân mây…
Ánh vàng reo trên mặt hồ sóng gợn
Phản chiếu lên đôi má đào mơn-mởn
Như vuốt ve trêu cợt vẻ u sầu.
Làn gió qua phe phất tà áo nâu…
— Một chiếc lá bay… một con chim khuất
Đang véo von lưu luyến ngày xuân tắt.
— Nhưng hững hờ, cô mặc tiếng chim ca,
Mặc lá vàng bay theo gió thoảng qua.
Mặc ánh tà dương còn dài mầu ly biệt,
Quên cảnh vật bên mình, cô chẳng biết
Tôi ngập ngừng đang rén bước lại gần.
Tôi thẩn thơ, dừng gót, đứng tần ngần,
Và hỏi cô rằng: “Bóng chiều gần lặn.
Mà cớ sao cô em còn thơ thẩn,
Nhớ thương ai hay đứng đợi chờ ai?
Để cho sương gieo đầm ướt hai vai?”
Cô ngảnh nhìn tôi, ngây thơ, yên lặng,
Và thong thả đưa bàn tay mềm trắng
Lên gạt hàng châu lệ long lanh.
Tôi trông cô lòng chan chứa cảm tình,
Những e ấp muốn nhắc lời săn hỏi.
Nhưng mắt tôi thay tiếng lòng tôi nói.
Cô âu sầu gượng hé chút môi cười
Mà nỗi chua cay chưa làm kém mầu tươi.
Rồi đưa mắt bâng khuâng, rõi theo con đường trắng
Dẫn về nẻo thị thành xa vắng
Cô đem nỗi lòng riêng ngỏ cho tôi nghe:
Ở làng xa, cô là gái thôn quê,
Một bữa qua đây gặp chàng công tử
Đón hỏi cô ra chiều niềm nở.
Giữa cảnh êm đềm hồ nước minh mang
Nghe tiếng ai tha thiết dịu dàng
Như gió lướt cành hoa, xúc động niềm ân ái,
Cô vui thấy trái tim cô tê tái
Và ngây thơ đón lấy tấm tình yêu
Chàng hiến cho cô — Rồi từ đó, chiều-chiều
Đi xe đạp từ xa chàng lại tới
Bên bờ hồ nơi chiều cô đứng đợi
Để cùng nhau ân ái tự tình,
— Như chim non mới biết cảnh trời xanh,
Cô sung sướng trong hào quang rực rỡ
Của giấc mộng xuân tưng bừng bao ánh lạ —
Bên tình quân, cô âu yếm dịu dàng,
Trông về phía thị thành sau ánh sương lam,
Mà mơ tưởng cảnh ngựa xe náo động,
Mà tha-thiết mong cùng ai được sống
Trong cuộc đời chói lói của phồn hoa.
— Trong cảnhthie thiên đàng, đối với tấm lòng thơ,
Cô thường bảo với chàng: “Ngay từ khi gặp gỡ
Em là gái thôn quê, chàng là người xa lạ,
Đôi bên nào có quen nhau?
Song tấm lòng em, không biết bởi vì đâu,
Nghe tiếng ai như mây theo gió quyến
Đối với ai đã mặn tình lưu luyến.”
Nhưng lòng chàng đằm thắm dần phai
Đứng bên cô, tuy chàng nói, chàng cười,
Cô vẫn thấy đôi mắt chàng lơ đãng
Không nhìn cô, chỉ mải trông mây thoảng…
Rồi một buổi chiều, cô đi mấy dặm đường
Mang lòng vui tìm đến chỗ người thương
Hẹn hò đây. — Nhưng đến khi nắng tắt
Trên cành cao, tiếng một con chim khuất
Đã bơ-vơ nhắn gọi ngày hôm sau,
Mà bóng tình quân cô tìm chẳng thấy đâu.
Cô ngừng kể, mà trên đôi môi thắm
Còn chua chát nhuốm tươi mầu cay đắng,
Rồi âu-sầu buông mấy tiếng thiết tha:
“Em không muốn trông ngày tháng ơ thờ
Trông ánh sáng đã hết mầu rực rỡ,
Không muốn sống chờ người không đến nữa,
Nên chiều nay em lại bước tới nơi
Mà bao phen em tình tự cùng ai
Để ôn lại chuyện tình duyên đã mất.
Em gọi gió thổi bên lòng hiu hắt
Gọi chim bay theo giải mây cao
Nhắn tình quân không biết ở nơi nao,
Rằng từ nay trên bờ hồ ân ái
Không còn đâu cô gái quê chờ đợi.
Rồi ôm lòng đau, em sẽ gieo mình
Xuống nước sâu cùng với khối hận tình
Muôn năm, muôn năm không bao giờ tan nát.”
Hơi sương reo nỗi đìu hiu man mác
Trên mặt hồ và thấm đượm lòng tôi.
Muốn khuyên cô nhưng chưa lựa được lời,
Tôi đứng lặng hồi lâu bên tấm lòng thôn nữ
Đang âm thầm với bao tình thương nhớ.
Rồi nhẹ nhàng như nâng tấm khăn hồng
Để buộc kín cho ai vết thương lòng
Tôi sẽ nói: — “Cô em ơi, tuổi trẻ
Của cô em là đoá hoa thơm diễm-lệ
Mỉm cười đón ánh xuân sang,
Mà bạn tình kia chỉ là khách qua đường,
Không biết quý, không biết yêu hương-sắc,
Chàng chỉ thoáng trông rồi vội tìm vui thú khác.
Nhưng há vì ai hoa để kém mầu tươi,
Há vì ai hoa nỡ để hương phai?
Khiến cảnh xuân yêuđấu hoa tha thiết
Phải bùi ngùi nhuộm trong mầu thương tiếc?”
Tôi còn dịu dàng khuyên dỗ nhiều lời
Tuy văn hoa ngơ ngẩn, — anh đừng cười —
Nhưng chân thực, cho nên tôi cũng thấy
Đã thoa dịu được tấm lòng thơ ấy.
Tôi có một gian nhà nhỏ ở gần hồ,
Một lớp thảo trang giữa hoa lá bốn mùa.
Nơi chim gió đua thăm, với Nàng Thơ yểu điệu
Vẫn ngày tháng đi về, duy còn thiếu
Chút ánh thiêng liêng của sự yêu đương:
Nhà tranh tôi còn thiếu trái tim vàng.
Tôi bèn rủ cô về cùng tôi ở đó
Và đem hết nỗi ái ân chan chứa
Dâng cho cô, — đem hết nỗi chân thành
Để yêu cô — để thay kẻ bạc tình.
Nhưng cô vẫn âu-sầu, khiến tôi e ngại,
Cô ủ rũ như nàng tiên êm ái
Không đành lòng chung sống với người đời
Nghe lời tôi, cô gượng đáp, gượng cười,
Nhưng đôi mắt cô vẫn thường đắm đuối:
Bao giờ cũng như mải còn theo đuổi
Hình ảnh xa xôi ở những đâu đâu.
Lòng tôi phảng phất lo ngay từ lúc ban đầu
Và tự nhủ tôi rằng: con chim xanh đó
Sẽ có ngày bay đi không về nữa.
Cho nên tôi hết sức yêu chiều,
Tôi lựa lời đón hỏi trăm điều:
Cô muốn chi tôi cũng không từ chối.
Nhưng cô gái quê muốn ra chơi Hà nội,
Muốn điểm trang, muốn quần áo sa hoa.
Để cho người tình quân tệ bạc, hững hờ
Biết rằng cô không còn là thôn nữ,
Không còn dáng quê mùa mà chê bỏ nữa.
Cô lại muốn tôi ăn mặc âu trang,
Muốn cùng cô sống trong cảnh rộn ràng.
Trong gió bụi kiêu sa nơi thành thị.
Song tôi chỉ là một chàng thi sĩ
Ở lều tranh, giầu được ít văn thơ
Tôi bèn đem những vần âu yếm, vì cô
Đã viết ra theo điệu lòng thổn thức,
Trong những lúc hồn thơ cảm xúc,
Mà duđương ngâm đọc để cô nghe.
Tôi gọi cô, trỏ những đám mây đi
Dưới trời cao; trỏ những chiều chói lói
Sau núi xa mịt mùng sương biếc gội;
Trỏ những bình minh yên lặng vẻ tươi cười.
Trong rặng cây xanh, lẩn bóng chân trời.
Tôi muốn cho lòng ngây thơ kia hoan lạc
Cùng với tôi yêu cuộc đời mộc mạc
Đầy hoa hương cùng thi vị thiên nhiên.
Đối với tôi, đó là thú thần tiên,
Nhưng đối với cô đời tôi là buồn tẻ.
Nên những khi trước sân bóng xế
Khi bình-minh vàng nhuộm tươi cây,
Khi gió đưa chiếc nhạn theo mây…
Ngồi thơ thẩn bên thềm, lòng bát ngát
Cô vô tình đem điệu thơ tôi quen hát
Để ngụ lời than trách bạn tình xa!
Trước lều tranh, vi vút tháng, năm qua
Nhưng nỗi buồn cô vẫn còn tươi, còn thắm.
— Cô ơ thờ bên tấm lòng tôi say đắm.
Rồi một buổi thu kia, tạm vắng nhà tranh,
Tôi đành bán văn thơ cho khách thị thành
— Những văn thơ mà bấy lâu tôi yêu quý,
Tôi đã rắp không bao giờ nỡ để
Cho người đời mua chuộc; vì anh ơi!
Văn thơ kia tức là tâm hồn tôi. —
Tôi bán đi để mua các đồ tô điểm
Mua y-phục tân trang của những trang kiều diễm
Chốn phồn hoa, về tặng người tôi yêu.
Mà tôi đây cũng sẽ bỏ cảnh nghèo
Với non nước nên thơ của Ly Tao Nương Tử
Tôi đưa cô, sẽ cùng nhau sống giữa
Cảnh ngựa xe náo nhiệt cô mơ màng.
Tôi trở ra về, lẹ gót vui mừng.
Nhưng than ôi! trong nhà tranh, vắng ngắt:
“Con chim xanh kia đã bay đâu mất!
Lặng tiếng buồn, Văn Sinh nắm tay tôi
Miệng chua cay sẽ nhách một nụ cười,
Anh nói tiếp: “Tôi thấy lòng tan nát,
Nhưng không khóc, vì bỗng cạn nguồn nước mắt,
Tôi thản nhiên, nhẫn nại, mà ngậm sầu.
Bạn ơi, ở đời này còn có vết thương đau
Nào ghê gớm, khắt khe hơn nữa?
— Tôi như người đã chết đi quá nửa.
— Anh tính xem trong thủa bình sinh,
Lần đầu tiên, tôi mới biết ái tình
Lần đầu tiên đã mang nhiều thất vọng!
Tôi muốn trẻ, muốn vui mà sống,
Nên bỏ nhà tranh, bỏ cảnh mơ hồ,
Xa tránh nơi còn hương khói chút tình xưa,
Rồi tôi đi. — Tôi dấn thân trong sóng gió.
Tìm bước đời lầm than đầy gian khổ
Để quên điều cay đắng trong tâm hồn;
Tôi tiến lên hoài, ca hát vui cười luôn
Để cho cõi lòng tôi chói loà ánh sáng…
Nhưng chỉ một áng mây qua của niềm nhớ tưởng
Cũng khiến cho lòng tôi tăm tối những u sầu!
Tôi cố im đi! không ngỏ vết thương đau
Cho ai hay — Nhưng sức lòng có hạn.
— Nay nhắc chuyện xưa, tôi thở than cùng bạn
Bỗng thấy tâm hồn phơi phới nhẹ nhàng.
Có lẽ từ nay bao nỗi buồn, thương
Đã theo nguồn lời như theo nguồn nước mắt
Trút khỏi lòng mà trôi đi, mà tan mất.
Bài thơ “Bóng Mây Chiều” của tác giả Thế Lữ. Bài thơ thuộc tập Mấy Vần Thơ (1935), danh mục thơ Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ) một trong những Nhà Thơ Việt Nam Vĩ Đại Và Tiêu Biểu. Hãy cùng đọc và thưởng thức nhiều tác phẩm thơ ca khác, có rất nhiều bài thơ hay đang chờ các bạn!
Các Bạn Đang Xem Bài Viết Bài Thơ: “Bóng Mây Chiều” (Thế Lữ – Nguyễn Thứ Lễ) Của Tác Giả Thế Lữ Trong Tập Mấy Vần Thơ (1935) Tại Blog ChieuTa.Com. Truy Cập Blog Thường Xuyên Để Xem Nhiều Bài Viết Mới Hàng Ngày Nhé!
Để Lại Một Bình Luận