Xăm Lia (Thu Bồn)
Tặng Xô Ri La
Em biết không mùa này gió chướng
Cây mía mềm vừa ngọt vừa thanh
Mẹ ta nghèo ra sông gánh nước
Nước trong veo trong suốt tự đầu nguồn
Ta biết đâu mẹ jin hộ nỗi buồn
Chiếc đòn gánh cong vêu như lưng mẹ
Hồn tuổi thơ bay vù chim sser
Mảnh sành xanh – con mắt liếc của em
Đọt rau răm vừa cay vừa mềm
Vừa khen đó lại vừa chê đó
Rát bỏng má em – đổ thừa ngọn gió
Tiếng trâu bày ngá ngọ cỏ non
Mặt trời nhô lên như một thỏi son
Xoa ửng khắp núi sông màu hồng ngọc
Ánh nắng đã chải vàng lên mái tóc
Một ngày xanh thốt nốt nước tràn
Uống cho vơi nỗi khát muộn màng
Môi em ướt sao mắt em cũng ướt?
Cá linh đưa hỡi con cá vược
Chiều nay về kịp Biển Hồ không
Hay còn lưu luyến nước Mê Kông
Con sông mẹ nhân từ – ngàn cánh tay của phật
Gió khe khẽ dịu dàng mưa lất phất
Mưa hiền hoà mưa như thể em mưa
Môi em giờ xoài đã chín chưa
Anh bước vội qua cánh đồng chó ngáp
Cây còn gởi trường thành che bão táp
Tóc em không còn rối nữa để anh thơm
Mưa xuống nồi vo gạo thổi cơm
Củi đã bén bập bùng hoa cải lửa
Trái đã chín một mùa vú sữa
Sao tháng năm anh tìm mãi vẫn chôm chôm
Anh ngu si tìm mãi sao hôm
Mà quên mất sao mai là em đó
Chân em bước bập bùng váy đỏ
Ngàn bông sen nở tự lầy bùn
Ngàn câu thơ cứ thế trào tuôn
Đau đớn lắm thơ vọt lên từ đất
Anh nhai lá cỏ non rịt vào thương tật
Nụ cười em trúng đạn liên thanh
Tình yêu bị hành hình trước súng cực nhanh
Tưởng thân thể tan ra thành xác pháo
Cây trúc thủng bỗng trở thành tiếng sáo
Gió tự phía lòng em thổi đến réo lên
Tiếng côn trùng bị cỏ bỏ quên
Tiếng giọt nước rót từ nguồn trong mát
Tiếng đàn đá hết mình cho ghềnh thác
Tiếng triều dâng và lúa chín trên nương
Anh và em đi hết cung đường
Để lại đàng sau bao nhiêu là cây trái
Đầu thai nữa ta trở về ta hái
Lại sinh tồn lại thất vọng lại yêu thương
Tình yêu em như một bãi chiến trường
Có đạn réo lửa nung và gió thét
Có tiếng súng bên hông đì đẹt
Có kẻ rình bắn lén phía sau lưng
Mùa đông dài không ngắn được mùa xuân
Khi em đến những dòng sông đều tuôn chảy
Em biết không sông Tiền sông Hậu chảy xuôi
Tôn Lê Sắp là con sông ngược
Và em có được
Những con sông không trẻ không già
Những con sông nổi váng phù sa
Màu mỡ qua trăm miền châu thổ
Con sông đó suốt đời bù lỗ
Cho con người không tính thiệt hơn
Cho con người không thấy cô đơn
Trước biến cố mặt trời
Em là bờ sông lở tuyệt vời
Bồi êm ả lên bờ anh trống vắng
Anh đã có một bờ cát trắng
Để nhìn em sâu lắng đến là sông
Em trôi qua những thành quách bỏ không
Lá biếc con mắt rừng làn môi em run rẩy
Một buổi sớm bàng hoàng anh nhìn thấy
Nước dâng cao ngập lút cả thành xưa
Con chim non xoè cánh đỡ cơn mưa
Đường bay mỏng nhập nhoà bao ký ức
Chỗ này dòng sông đương thả sức
Đo lại lòng mình bằng sức xiết của dòng sông
Em dang tay em đón vào lòng
Khuôn mặt anh sau nhiều năm luân lạc
Xưa câm lặng giờ bỗng nhiên em hát
Biết lòng mình không thể nói gì hơn
Tình yêu theo suốt dải Trường Sơn
Cây cụt ngọn đứng im làm nhân chứng
Anh đã đến và đá mềm chân cứng
Bao đêm ta vắt sữa cả bầu trời
Xôm lia! anh kêu lên môi bỗng nghẹn lời
Mai ta sẽ đi về nơi cuối đất
Nơi biển và sông ngàn năm trăng mật
Chín cửa sông dằn vặt sóng lưỡi rìu
Em thương yêu! Anh đương nói về sông
Em lại đến uy nghi như ngọn núi
Em đã tặng cho đời bao nhiêu ngọn suối
Cho nhân tình sáng lại như gương
Mai anh về biển hết mù sương
Mây ngũ sắc bay vào nôi vào chiếu
Tóc rủ gió đến mềm xanh ngọn liễu
Những nữ thần trên đá đứng cầu mưa
Những con kinh đào nước đã về chưa
Hạt giống đã nằm nghiêng trong khoé mắt
Những cánh đồng khốc khô như rỉ sắt
Đương quằn quại chiều nay phát sốt ngóng cơn mưa…
Xămlia: Nghĩa là “tạm biệt”.
Tông Lê Xắp 1985
Bài thơ “Xăm Lia” của tác giả Thu Bồn. Bài thơ thuộc tập 100 Bài Thơ Tình Nhờ Em Đặt Tên (1992), danh mục thơ Thu Bồn (Hà Đức Trọng) một trong những Nhà Thơ Việt Nam Vĩ Đại Và Tiêu Biểu. Hãy cùng đọc và thưởng thức nhiều tác phẩm thơ ca khác, có rất nhiều bài thơ hay đang chờ các bạn!
Các Bạn Đang Xem Bài Viết Bài Thơ: “Xăm Lia” (Thu Bồn – Hà Đức Trọng) Của Tác Giả Thu Bồn Trong Tập 100 Bài Thơ Tình Nhờ Em Đặt Tên (1992) Tại Blog ChieuTa.Com. Truy Cập Blog Thường Xuyên Để Xem Nhiều Bài Viết Mới Hàng Ngày Nhé!
Để Lại Một Bình Luận