Ngũ Nương Chờ Đợi Và Phụng Dưỡng Cha Mẹ Chồng (Nguyễn Bính)
Thái sinh từ được giàu sang,
Đã quên mây núi Thái Hàng vẫn bay
Đã quên người vợ thơ ngây
880. Một thân tấm cám từ ngày hàn vi,
Quên rồi chứ nhớ làm chi,
Người ta quan Trạng thiếu gì giai nhân,
Thiếu gì ngọc chuốt vàng dâng
Nơi quyền quý, cái vân phong thiếu gì.
885. Quên rồi chứ nhớ làm chi,
Người ta quan Trạng thiết gì cố nhân!
Gái quê nghèo khó ngu đần,
Gái quê sửa túi nâng khăn vụng về.
Chẳng thương thì mấy chẳng chê,
890. Tham vàng bỏ ngãi ra gì ai ơi!
Đổi thay chớp mắt tình đời,
Rượu làm đỏ mặt vàng xui đen lòng.
Thời gian đi nhẹ như không,
Mà tàn nhạt hết sắc hồng màu xanh.
895. Tháng ngày lần lữa bay nhanh,
Lòng ai đã bạc hết tình chồng con.
Có như nước chảy đá mòn,
Chỉ còn vui đấy chẳng còn thương đây.
Vầng trăng khi khuyết khi đầy,
900. Lòng người cứ mỗi một ngày một vơi.
Quên cho đến hết thì thôi,
Nhưng người xa ấy là người đã xa.
Nào cha mẹ, nào cửa nhà,
Người thục nữ tiếng tỳ bà trôi xuôi.
905. Nói lời rồi lại ăn lời,
Người như cóc chẳng bôi vôi chẳng về
Bạc đen đã vẹn mọi bề
Thương gì mùa hạ tiếc gì mùa xuân.
Ngọc nương hỏi đến song thân,
910. Thản nhiên Sinh đáp: “Từ trần đã lâu”
Chao ôi! Chữ hiếu là đâu,
Bạc ra cửa miệng tội cao bằng trời.
Người mà đến thế thì thôi
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi
915. Đã qua đường ấy quen xe,
Đã qua bên ấy nhớ gì đến sông.
Ngũ nương vẫn nhớ thương chồng.
Thờ hai thân vẫn một lòng dâu con.
Hỡi ơi! Đôi mắt đã mòn,
920. Nhớ ai bằng gái còn son nhớ chồng?
Rộn ràng buổi chợ đang đông
Cỏ huyên chẳng có hoa hồng cứ bay
Xuân thu đắp đổi từng ngày,
Kể từ xa cách đã đầy nửa năm.
925. Tin chồng vẫn bặt hơi tăm,
Ngày trông nhạn vắng đêm nằm bướm bay.
Buồn lòng lại sợ cho ai,
Biết đâu may rủi đường dài ra sao.
Tràng An ở mãi nơi nào,
930. Để cho cha mẹ ra vào băn khoăn.
Để cho thơ dại một thân,
Trăng non liễu yếu thêm phần đắng cay.
Tiếc không có cánh mà bay,
Tìm chàng góc bể chân mây cùng là.
935. Ra đi? Thân gái đường xa,
Sớm hôm cha mẹ cửa nhà cậy ai?
Đành thôi nay lại chờ mai,
Đành thôi thở ngắn than dài đêm thâu.
Hay là chàng đã quên nhau,
940. Bỏ nơi áo vải mà cầu cao sang,
Lẽ đâu chàng nỡ phũ phàng,
Cha mẹ còn đó, nước làng còn đây.
Dù cho bỏ một thân này,
Bỏ quê hương, bỏ mẹ thầy hay sao!
945. Nhưng mà học rộng tài cao,
Nghĩ như người ấy lẽ nào bạc đen.
Mười năm theo đạo thánh hiền,
Một ngày dễ đã dám quên cương thường
Hay là tai nạn dọc đường,
950. Tớ thầy lưu lạc về phương trời nào.
Hay là vực thẳm đèo cao
Hay nơi trường ốc làm sao mất rồi?
Hay là chàng đã… nhưng thôi.
Lạy trời phù hộ chồng tôi tốt lành.
955. Chàng ơi! Có thấu cho tình,
Trăm nghìn lo nghĩ một mình thân em
Bóng trăng thu rải đầy thềm
Bởi lo cha mẹ nên thêm nhớ chàng.
Tường xiêu treo mãi thân đàn,
960. Bốn dây thương nhớ một bàn tay hoa,
Chờ mong như suốt đêm qua,
Chàng ơi! Một tháng là ba mươi ngày,
Lần lần lá rụng rồi đây
Tơ đàn rã rượi, cho tay lỗi đàn.
965. Tiếng đâu rào rạt rộn ràng,
Ngựa ai, ai cưỡi qua ngàn lá khô?
Tiếng đâu xao động bờ xô,
Xe ai, ai đẩy ngang bờ dâu xanh.
Buồng hương bóng bóng hình hình
970. Gió hiu hiu hắt qua mành mành hoa,
Người về chỉ những người ta,
Gió mơ hồ, gót đường xa quên về,
Nay rồi mai lại ngày kia,
Nhớ mong chờ đợi đến khi… hỡi chàng?
975. Suốt trời nắng đổ chang chang,
Nắng khô sông rộng, nắng vàng rừng thưa,
Trời làm mấy tháng không mưa,
Bao nhiêu đồng đất nẻ khô như sành,
Mùa màng mất sạch sành sanh,
980. Dân gian lo sợ mà đành bó tay,
Người sang Bắc, kẻ về Tây,
Vợ con phiêu bạt, tớ thầy biệt ly,
Bỏ nhà bỏ cửa kéo đi,
Đò ngang vắng khách, chợ thì hết đông.
985. Túng vô độ, đói vô cùng
Người ta đã biết cơm sung, cháo dền.
Ngũ nương mới thực lo phiền,
Nhà nghèo lại gặp truân chuyên thế này,
Bao nhiêu của cải riêng tây,
990. Nàng đem bán rẻ từng ngày ăn đong,
Gắng cho cha mẹ yên lòng
Đường xa vẫn chẳng thấy chồng về cho.
Thất thường bữa đói bữa no,
Hôm nay đã vậy lại lo mai ngày.
995. Nàng thì vóc liễu thêm gầy,
Mẹ cha lại mấy bữa rày không cơm,
Tảo tần thương một thân đơn,
Ngọn rau lá cỏ qua cơn đói lòng.
Thiên tai cơ cận khắp vùng,
1000. Trời cao thăm thẳm, đầy đồng nắng hoa.
Triều đình xót nỗi dân quê,
Lấy lương Hà Nội chở về Hà Đông.
Huyện quan thông sức khắp vùng,
Đúng ngày ai nấy phải cùng lên nha.
1005. Ít nhiều chi nữa cũng là,
Cái tin phát chẩn đồn xa đồn gần.
Nghe tin có phát chẩn bần,
Ngũ nương chẳng quản đường gần hay xa.
Canh năm vừa rạng tiếng gà,
1010. Lẻ loi thân gái bước ra ngại ngùng.
Trên trời sao hãy còn đông,
Cỏ mòn một lối đồng không bốn bề.
Cơ hàn lạnh tái lạnh tê,
Sương thu xuống gió thu về bông bênh
1015. Rừng gần cây mất màu xanh,
Đỉnh non trông thấy, trông thành nghe xa,
Nửa ngày vừa tới huyện nha,
Đông như kiến những người ta ngạt ngào.
Một tuồng rách rưới như nhau,
1020. Một tuồng mặt võ, mình sầu hom hem
Bà bồng cháu, chị dắt em,
Con thơ lạc mẹ, người chen với người
Tiếng than tiếng khóc bời bời,
Ngồi trên có đến ông trời cũng đau,
1025. Đến giờ nổi hiệu trống chầu
Người ta cứ giẫm lên nhau mà vào!
Ngọn roi vun vút mưa rào,
Tiếng van lạy tiếng kêu gào điếc tai.
Ngũ nương vóc liễu mình mai,
1030. Đổi hai mắt lệ lấy vài đấu lương.
Chàng đi hoa nở đầy đường,
Cơ hàn biết thiếp đoạn trường này không.
Về thôi xay, giã, giần, sàng,
Vội vàng vo gạo, vội vàng thổi cơm,
1035. Ngọt ngào lưng thảo lưng thơm,
Mẹ cha chắc dạ là con vui lòng,
Con mà nhịn đói cũng xong,
Mẹ cha nhịn đói lòng không sao đành.
Dối rằng đã có phần mình,
1040. Bao nhiêu cơm gạo riêng dành hai thân,
Còn mình nấu cám mà ăn,
Miễn sao sống được qua lần thì thôi,
Cám không phải của ngọt bùi,
Người không là lợn nuốt trôi sao đành,
1045. Khi xưa bác mẹ hiền lành
Mà nay cay đắng riêng mình mới oan.
Thương thân thêm nỗi nhớ chàng,
Lòng đau chín khúc, lệ tràn đôi mi.
Người đi bằn bặt không về,
1050. Dãi dầu đôi đức, ê chề một thân,
Nghẹn ngào vừa khóc vừa ăn.
Ông bà nhẹ bước lại gần mới hay,
“Trời ơi! Sao đến nỗi này!
Cám kia ai bắt tội này! Con ơi!
1055. Chồng con nó bỏ con rồi,
Mẹ cha làm khổ một đời con đây
Trai ơi mày phụ vợ mày,
Mày đi mất mặt không quay đầu về,
Quên tình phụ tử, phu thê,
1060. Vô nhân bạc nghĩa chết đi cho rồi.
Con đi vui thú quê người,
Để dâu gánh hết nợ đời hay sao!?”
Ngũ nương tươi tỉnh má đào,
Rằng: “Con khoẻ mạnh thế nào cũng xong!
1065. Mẹ cha đầu bạc răng long,
Có như thế mới yên lòng làm con,
Cho dù ngày tháng mai mòn,
Đình vi thúc thuỷ lòng con dám rời
Xin thầy mẹ cứ yên vui,
1070. Chồng con chắc chẳng phải người bạc đen,
Một là đường xá chưa quen,
Hai là đất khách cạn tiền đò giang,
Hoặc là tên chiếm bảng vàng,
Nhà vua giữ lại làm quan trong triều,
1075. Mẹ thầy hiền đức bao nhiêu,
Chồng con ắt chẳng gặp điều không may,
Lòng con dám quản chua cay,
Sớm hôm hầu hạ mẹ thầy là vui”.
Ông bà nghe bấy nhiêu lời,
1080. Tạm ngăn giọt thảm, tạm vơi lòng sầu.
“Ví dù còn có kiếp sau,
Mẹ xin trở lại làm dâu cho mày.”
Bài thơ Ngũ Nương Chờ Đợi Và Phụng Dưỡng Cha Mẹ Chồng trong nhiều tác phẩm thơ ca, tập thơ của Nguyễn Trọng Bính. Bài thơ thuộc tập Tỳ Bà Truyện (1942), danh mục thơ Nguyễn Trọng Bính một trong những Nhà Thơ Việt Nam Vĩ Đại Và Tiêu Biểu. Hãy cùng đọc và thưởng thức nhiều tác phẩm thơ ca khác, có rất nhiều bài thơ hay đang chờ các bạn!
Các Bạn Đang Xem Bài Viết Bài Thơ: “Ngũ Nương Chờ Đợi Và Phụng Dưỡng Cha Mẹ Chồng” (Nguyễn Bính – Nguyễn Trọng Bính) Của Tác Giả Nguyễn Trọng Bính Trong Tập Tỳ Bà Truyện (1942) – Nguyễn Trọng Bính Tại Blog ChieuTa.Com. Truy Cập Blog Thường Xuyên Để Xem Nhiều Bài Viết Mới Hàng Ngày Nhé!
Bài Viết Liên Quan:
- Thái Sinh Gặp Ngũ Nương
- Thái Sinh Cưới Ngũ Nương
- Ngũ Nương Khuyên Chồng Đi Thi
- Thái Sinh Lên Kinh Ứng Thí, Ngũ Nương Ở Nhà
- Thái Sinh Đỗ Trạng Nguyên Và Cưới Con Gái Thái Sư
- Cha Mẹ Chồng Lần Lượt Qua Đời, Ngũ Nương Quyết Định Tìm Chồng
- Nỗi Gian Truân Trên Đường Lên Trường An Tìm Chồng
- Ngũ Nương Gặp Thái Sinh Rồi Bỏ Đi
Để Lại Một Bình Luận